Skip to content

Covid-19 có tác động tích cực đối với môi trường trong thời gian dài?

Ô nhiễm và khí thải nhà kính đã giảm trên khắp các châu lục kể từ khi các quốc gia thực hiện lệnh cách ly xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Nhưng liệu đây chỉ là sự thay đổi trong thời gian ngắn hay sẽ mở ra một tương lai mới trong nỗ lực bảo vệ môi trường?

Chỉ trong vài tháng qua, thế giới đã thay đổi! Hàng ngàn người đã chết, hàng trăm ngàn người khác bị nhiễm bệnh. Với những người khác không bị nhiễm bệnh, cách sống của họ cũng bị thay đổi. Tất cả do một loại virus mà trước đây chưa bao giờ xuất hiện: Virus Corona.

Đường phố Vũ Hán, Trung Quốc, bị bỏ hoang sau khi nhà chức trách thực hiện lệnh cách ly. Ở Ý, những quy định về hạn chế du lịch trên quy mô rộng lớn nhất được áp dụng kể từ sau Thế chiến thứ II. Ở London, các quán bar, nhà hàng, nhà hát vốn nhộn nhịp đã bị đóng cửa và mọi người được khuyên nên ở nguyên trong nhà. Trên toàn thế giới, các sân bay đóng cửa, các chuyến bay bị hủy hoặc chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là đưa người từ vùng dịch về nước. Cả thế giới thay đổi chóng mặt chỉ trong vòng 4 tháng đầu tiên của thập kỷ mới!

Tất cả những điều đó nhằm mục đích kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19, và hy vọng giảm thiểu đến mức tối đa số người bị nhiễm bệnh và bị chết. Nhưng trong một bức tranh toàn màu xám ấy, có một điểm sáng đã nổi lên, tựa như ánh nắng ban mai xóa tan màn đêm u tối: ô nhiễm môi trường đã giảm. Khi các ngành công nghiệp, mạng lưới giao thông và các doanh nghiệp đóng cửa, lượng khí thải carbon đã giảm đột biến.

Lượng khí thải nhà kính trên thế giới lần đầu tiên trong 10 năm qua đã giảm đến con số mơ ước trên 5% chỉ trong vài tháng. So với thời điểm này năm ngoái, mức độ ô nhiễm ở New York đã giảm gần 50%. Tại Trung Quốc, khí thải đã giảm 25% vào thời điểm đầu năm, và lượng than sử dụng giảm 40% tại sáu nhà máy điện lớn nhất của Trung Quốc kể từ quý cuối năm 2019. Theo Bộ Sinh thái & Môi trường Trung Quốc, tỷ lệ những ngày có chất lượng không khí đạt mức tốt đã tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái tại 337 thành phố trên khắp Trung Quốc. Ở châu Âu, các hình ảnh được chụp từ vệ tinh cũng cho thấy lượng khí thải NO2 đang mờ dần ở phía Bắc Italy. Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở Anh và Tây Ban Nha. Tại Việt Nam, chất lượng không khí ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP. HCM cũng ghi nhận sự cải thiện đáng kể. Chỉ số bụi mịn PM2.5 tại TP HCM đạt 20,8 mg/m3 – giảm gần 5 lần so với trước Tết.

Chỉ có mối đe dọa mang tính toàn cầu như Covid-19 mới có thể dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng như vậy. Nhưng chắc hẳn, nếu được lựa chọn, con người sẽ không bao giờ muốn trao đổi chất lượng môi trường với một đại dịch khiến hơn 20.000 người đã chết trên toàn cầu. Thay vào đó, mọi người hy vọng đại dịch sẽ nhanh chóng kết thúc và chất lượng môi trường vẫn được cải thiện. Điều đó liệu có thể xảy ra? Đại dịch chắc chắn sẽ lắng xuống nhưng môi trường sẽ ra sao?

Để giải đáp vấn đề này, đầu tiên cần xem xét, những lý do khác nhau khiến lượng khí thải carbon giảm. Lấy phương tiện giao thông, chẳng hạn, chiếm 23% lượng khí thải carbon toàn cầu. Con số này đã giảm trong thời gian ngắn tại các quốc gia áp dụng biện pháp cách ly xã hội. Mọi người không lái xe ra đường và lượng khách du lịch giảm đáng kể. Nhưng, sau khi các biện pháp cách ly được dỡ bỏ? Mọi người sẽ trở lại với công việc tại văn phòng (với ít nhất 2 lần trên xe mỗi ngày). Với một số người, du lịch nhiều hơn để xả stress có thể là một lựa chọn. Và nó sẽ khiến vấn đề ô nhiễm trở lại như chưa từng có đợt giảm vậy! Nhưng ngược lại. Đó là khi mọi người dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, họ sẽ nhận ra những giá trị trong việc tập trung vào sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Nếu sự thay đổi này đủ lớn, nó sẽ giúp giảm lượng khí thải.

Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến chất lượng môi trường là quá trình hồi phục của các ngành công nghiệp và sản xuất (chiếm 18,4% lượng phát khí thải toàn cầu). Điều này phụ thuộc nhiều vào thời gian đại dịch sẽ kéo dài. Tại thời điểm này, vẫn thật khó nói về điều đó. Có thể là hết tháng 4, hoặc cũng có thể là kéo dài đến tận cuối năm. Và nếu dịch vẫn còn tiếp tục thì nhu cầu tiêu dùng của mọi người sẽ kéo xuống mức thấp do thu nhập bị ảnh hưởng. Khi đó, các ngành công nghiệp và sản xuất dù có hồi phục, cũng sẽ không thể quá mạnh mẽ.

Đại dịch Covid-19 đã dạy chúng ta một điều: Con người thật nhỏ bé khi đứng trước mẹ thiên nhiên. Chỉ một con virus không thể nhìn thấy đã có thể khiến toàn bộ thế giới lao đao. Và điều đó sẽ giúp chúng ta thay đổi cách “đối xử” với môi trường. Khi tất cả thế giới cùng nhìn về một hướng, mọi điều đều có thể xảy ra và chúng ta cũng hy vọng chất lượng môi trường sẽ được cải thiện bền vững.

Thiên nhiên đang có quãng thời gian nghỉ ngơi cần thiết sau khi đã “chịu đựng” mọi tác động từ con người. Một lớp áo “mới mà cũ” đang được khoác lên bầu trời. Và thời gian sau đại dịch sẽ là thời điểm thích hợp để chúng ta bắt tay vào thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường. Sử dụng xe đạp và xe điện thay vì các phương tiện chạy bằng xăng và dầu; trồng nhiều cây xanh hơn; kiểm soát mức độ tiêu dùng của bản thân; hạn chế rác thải;… có rất nhiều việc mà con người cần làm ngay sau khi đại dịch kết thúc.

Chẳng ai mong muốn chất lượng môi trường được cải thiện theo cách mọi thứ đang diễn ra. Nhưng, sau tất cả, Covid-19 đã chỉ cho chúng ta thấy sự khác biệt mà cộng đồng có thể tạo ra khi họ tìm được tiếng nói chung và hành động cùng nhau. Và đó là một bài học vô giá trong việc đối phó với biến đổi khí hậu!

Nguồn: Stylemagazine

 

Viết bình luận