Skip to content

SỰ KHÁC NHAU GIỮA NGƯỜI THƯỜNG VÀ NGƯỜI THÀNH ĐẠT NẰM Ở CÁCH SỬ DỤNG THỜI GIAN

Ai cũng có một khối tài sản như nhau, đó là 1440 phút mỗi ngày, nhưng cách chúng ta sử dụng thứ tài sản đó tạo nên sự khác biệt ở mỗi người.

Jim Collins: Ngăn nắp để bành trướng và sáng tạo

 

 

Nhắc đến Jim Collins, tác giả cuốn sách “Từ tốt đến vĩ đại” và “Xây dựng để trường tồn” là nói đến sự rèn luyện tính kỷ luật. Được hỏi làm thế nào ông quản lý thời gian của mình, Collins nói rằng ông sử dụng một chiếc đồng hồ bấm giờ. Chiếc đồng hồ bấm giờ” ở đây có nghĩa là ông theo dõi sát sao thời gian của mình để đảm bảo công việc đạt hiệu quả cao nhất từ thời gian làm việc của mình. Jim Collins chia cuộc sống thành từng khối: 50% thời gian dành cho sáng tạo, 30% thời gian giảng dạy và 20% dành cho các việc khác (những việc bất ngờ nhưng cần giải quyết). Hàng ngày, ông dành thời gian từ 8 giờ sáng đến trưa để suy nghĩ, đọc và viết. Để việc này được hiệu quả nhất, ông ngắt mọi thiết bị điện tử, bao gồm cả kết nối internet. Khi được hỏi làm như vậy có phải là sống khép mình, ông nói rằng ông không ẩn dật, mà ông cần ở trong “hang ổ” để làm việc. Sau bữa trưa, ông thường ngồi lại văn phòng với các nhà nghiên cứu hoặc khách hàng. Buổi chiều, ông xem xét lại mọi việc và tổng kết, đánh giá lại. Bữa tối, ông viết lách thêm và đi ngủ. 

“Gọn gàng, ngăn nắp trong cuộc sống thì có thể bành trướng và sáng tạo trong công việc” là câu nói của một tiểu thuyết gia người Pháp Gustave Flaubert ông ưa thích.

 

CEO Goldman Sachs: Thời gian là tài sản quý giá nhất

 

 

Lloyd Blankfien, CEO của Goldman Sachs, một trong những nhân vật quyền lực nhất Phố Wall khẳng định CEO giỏi phải biết quản trị thời gian của mình. Theo ông, thời gian là tài sản quý giá nhất, cho nên mỗi người cần thường xuyên kiểm tra thời gian của mình có được sử dụng để đạt được các ưu tiên hàng đầu hay không. Ví dụ, nếu ưu tiên chính của doanh nghiệp bạn là phát triển nhân sự cao cấp và mở rộng thị trường ra toàn cầu, song bạn lại sử dụng phần lớn thời gian vào các hoạt động trong nước và các công việc hành chính nội bộ. Đây là lúc bạn cần thay đổi. 

 

Ông Blankfien cho biết, rất nhiều nhà lãnh đạo đều bị các sự kiện không mong đợi làm xáo trộn mọi thứ, khiến họ không thể chủ động thực hiện kế hoạch đề ra. Và ông đã khuyên nhiều nhà lãnh đạo theo dõi cách sử dụng quỹ thời gian của họ, đồng thời phân loại cho các hoạt động như phát triển kinh doanh, quản lý con người và lên kế hoạch chiến lược. Sau một thời gian thực thi, các kết quả cho thấy có sự không thống nhất giữa các ưu tiên hàng đầu và cách sử dụng quỹ thời gian.

 

Với áp lực điều hành một công ty, việc mất tập trung là điều dễ xảy ra, vì vậy bạn cần liên tục quan tâm đến ưu tiên của doanh nghiệp mình. Trước những quyết định đầu tư quan trọng, mỗi nhà lãnh đạo cần đánh giá cách đầu tư thời gian của mình. 

 

Ông Phạm Nhật Vượng và kỷ luật 3 phút

 

 

Danh tiếng ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup với nhiều người bởi sự vinh danh của Forbes, một trong những tạp chí hàng đầu thế giới. Ông là tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách do Forbes công bố và là một trong mười tỷ phú mới xuất sắc nhất năm qua. Bên cạnh tư tưởng kinh doanh lớn, ông còn là người làm việc cực kỳ nghiêm túc và có tính kỷ luật cao. Theo lời một vị lãnh đạo công ty được Vingroup rót vốn, ông Phạm Nhật Vượng là người rất bận rộn. Ông thường chỉ có thời gian 3-5 phút cho mỗi đơn vị báo cáo.  Tuy nhiên, không phải lúc nào khoảng thời gian ấy cũng đủ để trình bày hết ý. Có những nhà lãnh đạo phải bỏ cả tiếng đồng hồ ở hành lang để chờ ông Vượng, nhân lúc ông nghỉ giữa giờ để tận dụng thêm vài phút quý báu trình bày cho trọn ý kiến đã nêu ra. Ông Vượng buộc các nhân viên của mình phải chuẩn bị công việc tốt nhất có thể. Nếu công việc còn dang dở, họ cần có động lực hiểu sếp để hoàn thành công việc.

 

Một ví dụ nữa cho thấy ông Vượng là người nhanh nhạy và biết chớp thời cơ để tạo nên những đột phá trong kinh doanh. Trước đây, khi người dân Ukraine vẫn còn xa lạ với mỳ gói thì ông đã đẩy sản phẩm này trở thành vị trí số một thị trường. Khi thị trường bất động sản Việt Nam còn sơ khai, ông đã đầu tư hàng tỷ đôla về nước. Quả không sai khi nói “thời gian là vàng”. Nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay đang mang đến cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng cơ hội phát triển ngang nhau. Việc quản lý thời gian cũng là vấn đề quan trọng ở mỗi doanh nghiệp để tạo ra những bước tiến mới. 

 

Thời gian là hữu hạn. Thất bại thuộc về những ai sử dụng hai từ “ngày mai” thường xuyên nhất. Hãy bắt tay vào công việc ngay ngày hôm nay.

Viết bình luận