Skip to content

Những bài học từ câu chuyện ‘‘Thời gian quý báu lắm’’

Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân Việt Nam bản Di chúc lịch sử, căn dặn những việc nhân dân Việt Nam phải làm để xây dựng đất nước sau chiến tranh.

 Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Người còn để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tư tưởng và tấm gương đạo đức trên các lĩnh vực. Mỗi câu chuyện về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là những bài học vô cùng quý giá cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong học tập, công tác và lao động.

 

Một trong những câu chuyện đã để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc đó là câu chuyện Thời gian quý báu lắm”.

 

Chuyện kể rằng: “Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta yêu cái gì nhất, ghét cái gì nhất? Kể cũng hơi khó trả lời cho thật chính xác, bởi ở ta không có thói quen “tự bạch” và kín đáo, ý nhị vốn là một đặc điểm của lối ứng xử phương Đông.

 

Tuy nhiên, theo dõi qua tác phẩm, hoạt động và sinh hoạt đời thường, điều ta có thể thấy rõ cái mà Người ghét nhất, “ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm” là các thói quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí tiền bạc và thời gian của nhân dân.

 

Ở một mức độ khác, thấp hơn, những người có điều kiện tiếp xúc và làm việc với Bác Hồ, điều thấy rõ nhất là Bác rất khó chịu  khi thấy cán bộ làm việc không đúng giờ.

 

Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.

 

Trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp tướng đến làm việc với Bác sai hẹn mất 15 phút, tất nhiên là có lý do: mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo:

 

– Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu?. Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động.

 

Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:

– Chú đến chậm mấy phút?

– Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!

 

Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây.

 

Bác quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu, vì vậy thường không bao giờ để bất cứ ai phải đợi mình.

unnamed

Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh chị em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Tin vui đến làm náo nức cả lớp học, mọi người hồi hộp chờ đợi.

 

Bỗng chuyển trời đột ngột, mây đen ùn ùn kéo tới, rồi một cơn mưa dồn dập, xối xả, tối đất, tối trời,  hai ba tiếng đồng hồ không dứt. Ai cũng xuýt xoa, tiếc rẻ: mưa thế này, Bác đến sao được nữa, trời hại quá.

 

Giữa lúc trời đang trút nước, lòng người đang thất vọng, thì từ ngoài hiên lớp học có tiếng rì rào, rồi bật lên thành tiếng reo át cả tiếng mưa ngàn, suối lũ:

 

– Bác đến rồi, anh em ơi! Bác đến rồi!

 

Trong chiếc áo mưa ướt sũng nước, quần sắn đến quá đầu gối, đầu đội nón, Bác hiện ra  giữa niềm ngạc nhiên, hân hoan và sung sướng của tất cả mọi người.

 

Về sau, anh em được biết: giữa lúc Bác chuẩn bị đến thăm lớp thì trời đổ mưa to. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị Bác cho báo hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác…

 

Nhưng Bác không đồng ý: “Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì biết đến khi nào? Thà chỉ một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cho cả lớp học phải chờ uổng công!”.

bh

Ba năm sau, giữa thủ đô Hà Nội đang vào xuân, câu chuyện có thêm một đoạn mới. Vào dịp tết cổ truyền của dân tộc, hàng trăm đại biểu các tầng lớp nhân dân thủ đô tập trung tại Uỷ ban Hành chính thành phố để lên chúc tết Bác Hồ. Sắp đến giờ lên đường, trời bỗng đổ mưa như trút. Giữa lúc mọi người còn đang lúng túng thu xếp phương tiện cho đoàn đi để Bác khỏi phải chờ lâu thì bỗng xịch, một chiếc xe đậu trước cửa. Bác Hồ từ trên xe bước xuống, cầm ô đi vào, lần lượt bắt tay, chúc tết mỗi người, trong nỗi bất ngờ rưng rưng cảm động của các đại biểu.

 

Thì ra, thấy trời mưa to, thông cảm với khó khăn của ban tổ chức và không muốn các đại biểu vì mình mà vất vả, Bác chủ động, tự thân đến tại chỗ chúc tết các đại biểu trước. Thật đúng là mối hằng tâm của một lãnh tụ suốt đời quên mình, chỉ nghĩ đến nhân dân, cho đến tận phút lâm chung, vẫn không quên dặn lại: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân””.(Theo Song Thành – Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương ban hành năm 2006 ).

 

Câu chuyện đã để lại cho chúng ta những bài học vô cùng quý giá. Đó là bài học về nói đi đôi với làm, đã nói là phải làm cho kỳ được, phải có kế hoạch để thực hiện lời hứa, quy định do mình đã đặt ra:“Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì biết đến khi nào?

 

Ở mỗi cương vị công tác, lời nói phải đi đôi với việc làm. Cán bộ vận động nhân dân ủng hộ tiền, hiến đất để làm đường giao thông, các công trình phúc lợi công cộng, thì bản thân gia đình cán bộ phải gương mẫu trước. Đã nói, đã hứa thì phải thực hiện cho kỳ được. Cán bộ hứa trả lời dân về chủ trương, chính sách thì phải nghiên cứu mà giải thích cho dân đúng hẹn. Thày giáo hứa tổ chức cho lớp đi học ngoại khóa thì phải thực hiện,…. Nếu nói mà không làm, hứa mà không thực hiện thì mất uy tín của Đảng với dân, dân không tin Đảng. Như vậy cán bộ mà làm ảnh hưởng đến Đảng là cán bộ kém.

 

Câu chuyện cũng để lại cho chúng ta bài học mình vì mọi người: “Thà chỉ một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cho cả lớp học phải chờ uổng công!”.

 

Không nên vì mình mà mọi người phải chờ đợi, phải lãng phí thời gian vô ích. Không nên vì mình mình mà làm ảnh hưởng đến công việc của nhiều người khác.

 

Ở mỗi cương vị công tác, chúng ta có thể rút ra bài học cho chính mình: Cô giáo đến chậm 10 phút thì cả lớp học hàng chục người phải chờ, lãng phí thời gian, làm ảnh hưởng đến việc học của lớp khác và nề nếp của nhà trường; anh công nhân đến chậm vài phút làm cả dây chuyền phải ngừng lại; cán bộ đến họp chậm làm mọi người phải chờ,… Một mình mình làm nhiều người bị mất thời giờ là thiếu tôn trọng người khác. Thiếu tôn trọng bản thân mình, như thế là người không có lòng tự trọng.

Câu chuyện cũng để cho chúng ta bài học về tiết kiệm thời gian“thời gian là vàng, bạc”, “Một tấc bóng, một tấc vàng”.

 

Tiết kiệm thời gian là tiết kiệm tiền của, công sức của mình, của cán bộ và của nhân dân: “10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây”.

 

Quỹ thời gian của con người có hạn. Người ta có thể làm lại một cái nhà, một con đường,… nhưng không thể lấy lại được một tích tắc thời gian đã mất đi. Thời gian quý hơn vàng, bạc. Vì vậy tiết kiệm thời gian là tiết kiệm thông minh, văn minh nhất. Mỗi người đều có thể tiết kiệm được thời gian của mình: đó là làm việc phải có kế hoạch cụ thể, chi tiết; làm việc ngăn nắp, gọn gàng; thày cô chuẩn bị bài chu đáo trước khi lên lớp, lên lớp đúng giờ, sử dụng hiệu quả giờ học; chuẩn bị nội dung tốt trước khi tiến hành tổ chức hội họp, tiếp dân,… Đó chính là tiết kiệm thời gian của mình và của mọi người.

 

Tiết kiện là ngược lại với lãng phí. Thực hành tiết kiện là một hành động tích cực chống lại căn bệnh tham ô, lãng phí quan liêu. Tiết kiệm nhân lực, thời gian, của cải vật chất,.. là những việc làm thiết thực, cụ thể để mỗi người tự hoàn chỉnh mình, tích cực thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, góp phần tích cực xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Viết bình luận